Chuyên đề: “MỘT SỐ KINH NGHIỆM BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LỚP 9”

Tên file: chuyen-de-sử-xong1.doc
Tải về
TRƯỜNG THCS PHÚ NINH

TỔ: SỬ-ĐỊA-GDCD

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

CHUYÊN ĐỀ

MỘT SỐ KINH NGHIỆM BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LỚP 9

 

Người viết: Huỳnh Quang Vinh   chức vụ: Giáo viên  Môn: Lịch sử

  1. THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN
  2. Thực trạng

Hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ngày càng được lãnh đạo ngành giáo dục, các trường THCS và các giáo viên Lịch sử quan tâm.

Đây là công việc đòi hỏi sự công phu và sáng tạo. Hiệu quả của công việc bồi dưỡng học sinh giỏi là sự hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố đầu tiên có ý nghĩa quyết định là lòng yêu nghề, tâm huyết và sự tận tụy của người thầy đối với học sinh.

Bài viết này của tôi nhằm trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Với nhiều kết quả cao nhất  của đội tuyển Sử trường THCS Phú Ninh trong những năm qua  tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm như sau:

1.1 Thuận lợi

– Được nhà trường tạo điều kiện thuận  lợi cho việc giảng dạy bộ môn Lịch sử (có phòng  bộ môn, bản đồ, tranh ảnh về các môi trường).

– Đội ngủ giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, nhiệt tình sử dụng nhiều phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh tiếp thu tốt kiến thức.

– Học sinh tham gia học tập tích cực, hoàn thành nhiệm vụ giáo viên giao.

– Công tác tuyển chọn bồi dưỡng giáo viên được chú ý: thu hút các giáo viên giỏi có kính nghiệm dạy HSG, có năng lực,có học sinh đi thi cấp huyện, cấp  tỉnh.

– Hàng năm cử giáo viên đi tập huấn các chương trình nâng cao, hoặc tham gia các lớp tập huấn do PGD hoặc SGD tổ chức.

1.2 Khó khăn

– Tài liệu , tranh ảnh , bản đồ còn hạn chế.

– Thời gian giáo viên trong tiết dạy, chỉ tập trung truyền thụ theo chuẩn kiến thức, chưa bao quát hết học sinh  trong lớp, nên một số học sinh không hiểu bài.

– Khả năng tiếp thu kiến thức, liên hệ thực tiễn của học sinh còn hạn chế.

– Học sinh ít chịu đọc sách giáo khoa cũng như tìm hiểu thêm kiến thức trên các thông tin khác.

– Học sinh xem nhẹ kiến thức Lịch sử, dành nhiều thời gian cho các môn học khác.

– Giáo viên còn hạn chế sử dụng các phương pháp mới trong giảng dạy.

  1. Nguyên nhân:

– Tổ chuyên môn do tổ ghép nên việc sắp xếp thời gian thực hiện chuyên đề giáo dục môi trường cho học sinh thông qua bộ môn còn gặp nhiều khó khăn.

– Tính thực dụng của học sinh và phụ huynh trong nhiều năm qua, xem các môn Sử, Địa là các môn phụ, hoặc tương lai sẽ khó xin việc làm nếu thi ĐH vào Khối C.

–  Chế độ đãi ngộ với giáo viên và học sinh giỏi chưa hợp lý: chỉ được 3 tiết trên 1 tuần trong thời gian quy định của PGD, SGD. HS thì chỉ được Giấy khen và tiền thưởng mang tính khích lệ.

– Học sinh đoạt giải nhất nhì ba vòng Tỉnh cũng không được tuyển thẳng vào lớp 10.

– Đội ngũ giáo viên dạy chuyên cũng thiếu và chưa được động viên khuyến khích kịp thời.

  1. Giải pháp thực hiện
  2. Tổ chuyên môn:

– Lên kế hoạch chuyên đề, phân công giáo viên thực hiện chuyên đề, thông báo với tất cả giáo viên trong tổ, giáo viên chủ nhiệm và học sinh lớp 9A2 về thời gian, địa điểm thực hiện chuyên đề.

  1. Tiến hành thực hiện chuyên đề:

 2.1. Chọn học sinh giỏi

– Đây là khâu có tính quyết định trong việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi hàng năm. Đối tượng được chọn phải có lòng yêu thích bộ môn và có năng lực trong việc học tập bộ môn. (từ 8,0 trở lên)

– Sự chọn lựa học sinh giỏi được tiến hành trong năm học lướp 8, sau khi kiểm tra 1 tiết ở HK I. (học sinh phải đạt từ điểm 9 đến 10)

– Tiếp tục theo dõi, động viên, định hướng cho những học sinh này một cách thường xuyên qua các kết quả bài thi HKI, bài KT 1 tiết HKII, bài thi HKII.

– Sau khi có kết quả cả năm học lớp 8, giáo viên thành lập đội tuyển bước đầu, khoảng từ 7 đến 10 học sinh nhưng phải trên tinh thần tự nguyện.

– Lập kế hoach bồi dưỡng ngay trong hè, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi khoảng 90 phút. (vừa học vừa vui hè, không gây áp lực cho học sinh)

2.2. Xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy

– Giáo viên bám sát vào tài liệu chuẩn Kiến thức kỹ năng bộ môn Lịch sử bậc THCS để xây dựng chương trình, nội dung  dạy bồi dưỡng HSG.

– Xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy toàn bộ nội dung Lịch sử 6, 7, 8, 9 (riêng lớp 9 cho đến thời điểm thi vòng Huyện, vòng Tỉnh). Cụ thể như sau :

+ LỊCH SỬ VIỆT NAM LỚP 6

* LSVN từ thời dựng nước Văn Lang, Âu Lạc.

* LSVN trong thời kỳ Bắc thuộc. (kinh tế, văn hoá, xã hội, các cuộc khởi nghĩa lớn từ TK I đến TK IX)

* Họ Khúc, họ Dương dựng quyền tự chủ.

* Chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

+ LỊCH SỬ VIỆT NAM  LỚP 7

* LSVN thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống 981.

* LSVN thời Lý, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống 1075-1077.

* LSVN thời Trần, ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII.

* LSVN thời Hồ, cuộc kháng chiến chống quân Minh 1407, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn 1418- 1427.

* LSVN thời Lê sơ thế kỷ XV.( tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá…)

* LSVN  thời Lê mạt TK XVI, XVII, XVIII, chiến trang Nam- Bắc triều, chiến tranh Trịnh- Nguyễn, Phong trào nông dân Tây Sơn…

* LSVN Thời Nguyễn nửa đầu TK XIX.

+ LỊCH SỬ VIỆT NAM  LỚP 8

* Quá trình xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam (tại Đà Nẳng, Gia Định, 3 tỉnh Miền Đông 3 tỉnh Miền Tây Nam kỳ, Bắc kỳ lần thứ nhất, lần thứ hai, các Hiệp ước 1862, 1874, 1883, 1884.)

* Phong trào Cần Vương cuối TK XIX, Phong trào nông dân Yên Thế cuối TK XIX đần TK XX.

* Tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam trong công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp.

* Phong trào yêu nước của Việt Nam đầu thế kỷ XX.

+ LỊCH SỬ VIỆT NAM  LỚP 9

* Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

* Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài Từ 1919- 1927.

* Cách mạng Việt Nam trước khi Đảng cộng sản ra đời.

* Sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Ý nghĩa lịch sử.

* Phong trào cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, (các phong trào cách mạng 1930-1935, 1936- 1939, 1939-1945)

* Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự thành lập nước VNDCCH.

* Cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng cính quyền cách mạng (1945-1946)

* Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ kháng chiến Toàn quốc 1946 đến chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.

+ LỊCH SỬ THẾ GIỚI LỚP 6

* Xã hội nguyên thuỷ.

* Các quốc gia cổ đại Phương Đông , Phương Tây.

* Văn hoá cổ đại.

+ LỊCH SỬ THẾ GIỚI LỚP 7

* Sự hình thành chế độ phong kiến Phương Đông , Phương Tây.

* Sự suy vong của chế độ phong kiến và sự hình thành Chủ nghĩa tư bản.

* Phong trào văn hoá phục hưng và các cuộc phát kiến Địa lý.

+ LỊCH SỬ THẾ GIỚI LỚP 8

* Các cuộc cách mạng tư sản thời Cận đại.

* Cách mạng công nghiệp ở các nước tiên tiến.

* Chủ nghĩa tư bản được xác lập trên phạm vi thế giới.

* Phong trào công nhân quốc tế, Công xã Paris 1871.

* Các nước Anh- Pháp – Đức – Mỹ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

* Sự phát triển của Kỹ thuật- Khoa học cuối thế kỷ XVIII – XIX.

* Cuộc cách mạng Nga 1905-1907 và ý nghĩa lịch sử.

* Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

* Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918.

* Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917.

* Liên xô xây dựng CNXH 1917- 1941.

* Tình hình Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới.

* Phong trào giải phóng dân tộc của các nước Đông Nam Á.

* Chiến tranh thế giới thứ hai 1939-1945.

* Sự phát triển của khoa học và kỹ thuật thế giới nửa đầu thế kỷ XX.

+ LỊCH SỬ THẾ GIỚI LỚP 9

* Những vấn đề về Liên xô và các nước Đông Âu từ sau 1945 đến 1991.

* Các nước Châu Á, Đông Nam Á, Châu Phi, Mỹ la tinh từ sau 1945.

* Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu sau 1945 đến nay.

* Trật thế giới mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

* Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ hai và ý nghĩa, tác động của nó đối với con người.

2.3. Tiến trình bồi dưỡng

– Bước vào đầu năm học mới, giáo viên tiếp tục bồi dưỡng học sinh lớp 9 theo kế hoạch, tránh trùng với các tiết Thể dục trái buổi của học sinh.

– Trong các tiết lên lớp, giáo viên chú ý bồi dưỡng ngay trên lớp đối với các đối tượng này ( kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy lý luận…)

– Trong các tiết dạy bồi dưỡng, giáo viên tiếp tục cung cấp kiến thức, rèn luyện các kỹ năng…

– Tổ chức thi thử theo cấu trúc đề trong những năm vừa qua, gác thi nghiêm túc, học sinh làm bài nghiêm túc.

– Chấm và sửa bài kiểm tra thi thử ,công khai điểm số, nhận xét và đánh giá năng lực từng đối tượng học sinh…

– Giáo viên  hướng dẫn học sinh tìm hiểu thêm trong sách giáo khoa, giải quyết tất cả các câu hỏi, bài tập.

– Rèn luyện kỹ năng phân tích đề bài, kỹ năng làm bài, chữ viết, chính tả…

– Tổ chức thi vòng trường vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 hàng năm theo kế hoạch của Ban giám hiệu.

– Chấm thi nghiêm túc, khách quan, công khai kết quả thi trước học sinh, thông báo thành lập đội tuyển ( khoảng từ 3 đến 5 học sinh tuỳ theo tình hình cụ thể của từng đơn vị )

Sau đây là một số kinh nghiệm bản thân xin trao đổi cùng quý đồng nghiệp…

Ví dụ 1: Rèn kỹ năng tìm hiểu tài liệu: Giáo viên hướng dẫn học sinh nắm được mục đích – yêu cầu, những sự kiện quan trọng và trọng tâm kiến thức của từng bài học lịch sử từ lớp 6 đến lớp 9. Trên cơ sở đó các em về nhà tìm hiểu kỹ sách giáo khoa và trả lời những câu hỏi trong SGK yêu cầu. Với cách làm trên khi ôn luyện cho học sinh giáo viên chỉ tập trung phân tích chuyên sâu những nội dung lịch sử và những yêu cầu trong sách giáo viên.

Để tìm hiểu, học tập tài liệu đạt hiệu quả giáo viên yêu cầu HS cần phải:

– Nắm chắc tên bài, tên các tiểu mục để tránh lạc đề khi làm bài.Vậy trước khi học tiểu mục nào, HS chuyển tiểu mục ấy thành câu hỏi. Ví dụ như “ Khởi nghĩa Lam Sơn 1418-1427 học sinh tự đặt ra câu hỏi như: “ Vì sao có cuộc khởi nghĩa này ? Lãnh đạo là ai ? Địa bàn hoạt động ở đâu? Diễn biến của nó chia ra thành mấy giai đoan ? Khởi nghĩa thắng lợi đã có ý nghĩa gì?” Như vậy kích thích hứng thú học tập, hiểu sâu, nhớ lâu. Tạo sự chủ động trong học tập cho HS.

– Nắm dàn ý của cả bài hoặc của từng phần. Trước khi học cả bài hay từng phần nên nắm chắc cái dàn ý của nó. Dàn ý thường theo giai đoạn hoặc theo sự kiện, bao gồm: nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa. Nắm được dàn ý giúp HS nhớ có hệ thống và nhớ lâu.
– Nắm những sự kiện quan trọng trong từng mục, bài, chương. Vì lịch sử bao giờ cũng gắn liền sự kiện – địa danh – nhân vật lịch sử. HS tìm hiểu tài liệu phải biết chọn lựa sự kiện – địa danh – nhân vật lịch sử để ghi nhớ. Nên tìm các mối quan hệ giữa các sự kiện thì dễ nhớ và nhớ lâu.

– Nắm thuật ngữ: Cần phải nhớ đúng những thuật ngữ lịch sử, không được nhầm lẫn giữa một số thuật ngữ “đấu tranh”, “chiến đấu”, “khởi nghĩa”,…vì mỗi chữ có một nghĩa khác nhau.

– Bằng việc hướng dẫn HS tìm hiểu tài liệu, SGK như trên, HS sẽ nắm vững kiến thức lịch sử có hệ thống, nên tránh việc học sinh học tủ và ứng phó với các dạng câu hỏi, bài tập của các kì thi.

Ví dụ 2:  Rèn luyện kỹ năng giải quyết nhưng câu hỏi, bài tập khó :

– Đến những buổi ôn tập cuối cùng, giáo viên kiểm tra học sinh trình bày những nội dung kiến thức đã giao tự chuẩn bị ở nhà ( có soạn ra tong vở học, học sinh góp ý, bổ sung, giáo viên chốt kiến thức HS cần đạt.

– Tiếp theo giáo viên ra bài tập nâng cao, quy định thời gian cho học sinh làm bài thử :

Bài tập 1: Lập bảng thống kê quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài từ 1919 đến 1930.

Bài tập 2: Lập bảng so sánh phong tào nông dân Yên Thế với các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX ?

Bài tập2:  Lập bảng so sánh phong trào dân tộc dân chủ 1936-1939 với phong trào cách mạng 1930-1931( theo bảng với những yêu cầu )

 

III. Hiệu quả và khả năng áp dụng

  • Hiệu quả

– Đề tài thực hiện không tốn kém về mặt kinh tế mà còn thực hiện tốt cho quá trình dạy học Lịch sử, bồi dưỡng đội tuyển HSG cho các trường THCS. – Đề tài cung cấp cho giáo viên có tâm huyết với bộ môn lịch sử hướng đi và cách thức thực hiện việc bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả.

– Học sinh hứng thú học tập môn lịch sử, học sinh có năng khiếu đăng ký vào đội tuyển học sinh giỏi môn lịch sử của trường ngày càng nhiều.

– Kết quả học sinh giỏi môn lịch sử của trường THCS Phú Ninh từ năm học 2004-2005 đến năm học 2014-2015 luôn đạt được kết quả cao:

– Thường xuyên có học sinh đạt giải cấp Huyện hàng năm.Có tổng cộng 13 học sinh giỏi đạt giải cấp Tỉnh trong các năm 2005, 2006, 2007, 2011, 2014, 2015.

  • Dự kiến khả năng áp dụng

– Đề tài có thể áp dụng lâu dài và rộng rãi cho giáo viên dạy môn Lịch sử bậc THCS và bồi dưỡng học sinh giỏi hàng năm.

– Giúp cho những học sinh yêu thích Lịch sử, và phát huy năng khiếu học tập môn Lịch sử, học sinh định hướng vào lướp 10 trường chuyên, luyện thi kỳ thi THPT Quốc gia sau này hướng về tổ hợp các môn KHXH.

Trên đây là một số kinh nghiệm và giải pháp bồi dưỡng HSG mà trong 10 năm qua cá nhân đã áp dụng và có được kết quả khá thành công.Rất mong được người đọc và quý đồng nghiệp góp ý kiến xây dựng. Xin chân thành cảm ơn.

 

      Phú Ninh, ngày 30   tháng  9  năm 2017

                                                                                             Người viết

 

 

                                                                                         Huỳnh Quang Vinh